Loading...
Tin tức

Phát triển cảng cạn, cần chú ý khả năng kết nối

Ngày cập nhật: 27/07/2021 (Đã xem 9917 lần)

 

Cảng cạn (ICD) được coi là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển. Tuy nhiên hệ thống cảng cạn thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

 

 

Làm gì để phát triển hệ thống cảng cạn, tăng tính kết nối với các phương thức vận tải khác và hài hòa quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chung?

“Hàng trực tiếp đi ra cảng biển sẽ đỡ chi phí, nhưng cũng rất khó vì nhiều khi không chủ động được tàu, container phải nằm chờ, chi phi đội lên rất cao. Hàng qua ICD thì sẽ có kế hoạch ổn định hơn”.

“Một số nơi như biên giới hay các trung tâm phát triển công nghiệp rất cần những ICD để tập trung gom hàng, việc vận chuyển sẽ dễ hơn; trong khi chờ thông quan có chỗ để làm hàng rất tốt, giảm được chi phí nhất định”.

“Cảng cạn ICD là vùng quy hoạch chủ yếu về hàng hóa, thu gom hàng, nhưng phải kết nối rất đồng bộ, có kho bãi đạt tiêu chuẩn, xếp dỡ bằng công nghệ, kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt với cảng biển”.

Đó là chia sẻ của một số doanh nghiệp về vai trò của cảng cạn trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN khẳng định, cảng cạn là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN, nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả.

“Không có cảng biển nào có thể làm thay ICD hoặc có thể chứa tất cả hàng hóa từ các KCN về cảng được vì nó hữu hạn. ICD chính là nơi hãng tàu thực hiện luân chuyển vỏ và luân chuyển hàng. Tại các cảng biển sẽ không thực hiện các tác nghiệp này một cách triệt để với số lượng lớn, các hãng tàu đều sử dụng các ICD làm Depot để lưu chuyển, quản trị, sửa chữa vỏ container”.

Cũng theo ông Trung, hiện nay một số cảng cạn khu vực phía bắc như Lào Cai, Tiên Sơn (Bắc Ninh) được đầu tư khá bài bản đã hỗ trợ đáng kể cho các cảng biển khu vực Hải Phòng. Tuy nhiên việc kết nối giữa các ICD với cảng biển và các trung tâm sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là đường bộ.

Trong khi đó hiện mới chỉ có tuyến đường sắt lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai nhưng khai thác cũng chưa hiệu quả; còn đường sông thì luồng lạch nông và khoảng thông thuyền thấp nên hiệu quả còn hạn chế.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép các cảng cạn ICD khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gắn liền với các KCN nên hoạt động khá hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các cảng nước sâu. Hiện nay có tới 80-85% hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển đến Cảng Cái Mép bằng đường sông thông qua các ICD.

Tuy nhiên tại Bà Rịa – Vũng Tàu nơi tập trung nhiều cảng nước sâu lại chưa có bất kỳ cảng cạn nào. Địa phương này đang tập trung phát triển các KCN, ưu tiên vào công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử có giá trị cao. Vì thế việc hình thành các cảng cạn ICD sẽ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu tận dụng được lợi thế gần cảng nước sâu.

Tuy nhiên, phát triển cảng cạn cần lưu ý nguồn hàng và các phương thức vận tải kết nối.

“Các ICD quan trọng số 1 là vị trí phải nằm giữa cảng biển và các chủ hàng và các giá trị mà cảng cạn đó tạo ra được. Hiện các cảng cũng khá nhiều nên xây dựng ICD phải tính toán rất kỹ, phù hợp theo vùng hấp dẫn của ICD đó. Chúng tôi mong mỏi các ICD xuất hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu để hỗ trợ cho các cảng, giảm chi phí logistic”.

Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN – ông Trần Đỗ Liêm cho biết, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long các cảng cạn thường gắn liền với cảng sông, cảng biển.

Nơi đây mới chỉ có 3 cảng cạn, với quy mô và công suất khá nhỏ nên hiệu quả không cao. Bởi lẽ hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế, hiện mới chỉ có duy nhất tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương với chiều dài hơn 60km nên chưa tiếp cận được nhiều KCN.

“Đồng bằng sông Cửu Long chưa có cảng ICD nào đáng kể cả, chủ yếu được đầu tư mở rộng từ cảng Cần Thơ, cảng Châu Thới của An Giang và ICD của Tân Cảng ở Đồng Tháp. Hiện nay ICD của Tân Cảng vẫn có hiệu quả, nhưng cảng Cần Thơ và Châu Thới nằm sâu bên trong nên chưa phát huy được hiệu quả”.

Dự báo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá trong tương lai về xuất nhập khẩu; cầu Mỹ Thuận 2 và các tuyến cao tốc đang tiếp tục được đầu tư sẽ giúp vùng đất chín rồng có thêm nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, việc quy hoạch hệ thống cảng biển, cảng cạn cần được tính đến.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics VN, nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, vì vậy cần phát huy kết nối vận tải thủy nội địa với các cảng cạn, vừa giúp DN giảm chi phí vừa vừa giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.

“Chi phí vận tải bằng đường thủy nội địa chỉ chỉ bằng khoảng 1/3 đường bộ, tôi nghĩ cần phải có một cái quy hoạch, khảo sát đánh giá. Lâu nay Cục Hàng hải đã quy hoạch cảng cạn trên cả nước, tuy nhiên cũng cần phải có sự điều chỉnh, nghiên cứu thêm để làm sao tận dụng tối đa vận tải đường thủy”.

Giải đáp vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng hải VN ông Nguyễn Xuân Sang cho hay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ với hạ tầng logistics, các tuyến giao thông kết nối, đặc biệt là các cảng cạn giúp cảng biển tăng tốc độ giải phóng hàng hóa, giảm ùn tắc và nâng cao công suất khai thác cầu, bến cảng.

“Định hướng sắp tới cho hệ thống cảng cạn chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá chi tiết hơn, trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội – quy hoạch giao thông của từng địa phương để hoạch định vị trí quy hoạch các cảng cạn ở tất cả các địa phương, là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển vào sâu trong nội địa.

Trong định hướng chúng tôi sẽ tích hợp luôn các trung tâm logistic vào quy hoạch cảng cạn để thống nhất đồng bộ trong quy hoạch, tránh chồng chéo và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép sau này”.

Cũng theo ông Sang, sau khi rà roát, đánh giá tổng thể Bộ GTVT sẽ thống nhất với các địa phương về những định hướng lớn trong quy hoạch lần này và đưa ra kế hoạch tổng thể phát triển cảng cạn cho cả nước. Và để hình thành cảng cạn phải đảm bảo tiêu chí có ít nhất có 2 phương thức kết nối đến cảng cạn, trong đó phải có 1 phương thức kết nối số lượng lớn.

Đầu tư phát triển cảng cạn là nhu cầu thiết yếu, thế nhưng đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng nơi thì tắc nghẽn hàng hóa, nơi thì lại thiếu hàng, kho rỗng thường xuyên.

Dưới góc nhìn của VOVGT, cần cân nhắc thật kỹ việc đầu tư phát triển cảng cạn, làm sao để phát huy tốt nhất tiềm năng, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên của đất nước: Phát triển cảng cạn cần đồng bộ với hạ tầng giao thông

Nước ta hiện có 9 cảng cạn và 16 cảng thông quan hàng hóa có chức năng như cảng cạn, trong đó khu vực phía Bắc có 6 cảng cạn và 7 cảng thông quan nội địa; khu vực phía Nam có 1 cảng cạn ICD và 9 điểm thông quan nội địa; khu vực miền Trung chưa có cảng cạn nào.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng quy hoạch hệ thống cảng cạn sẽ được hình thành tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, nằm dọc các hành lang kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam và tới đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó hướng đến kết nối vận tải đa phương thức và ưu tiên các vị trí kết nối thuận lợi bằng vận tải thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường sắt, đường bộ đến các cảng biển.

Quy hoạch lần này được đánh giá khá bài bản, tuy nhiên thực hiện quy hoạch như thế nào để các cảng cạn phát huy tốt nhất tiềm năng vốn có là vấn đề cần được các ngành chức năng xem xét kỹ lưỡng. Trong đó, việc phát triển cản cạn cần phải gắn chặt với các khu công nghiệp, trung tâm sản xuất và các nhà máy lớn là tiêu chí quan trọng.

Bên cạnh đó phát triển hệ thống cảng cạn phải đi đôi với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của cả 5 lĩnh vực vận tải, đặc biệt là các quy hoạch về đường bộ, đường sắt.

Vì lẽ đó cần có sự chung tay hợp lực của các ngành nhằm rà roát, điều chỉnh, mở rộng, nâng cấp các ga đường sắt; bổ sung các cảng cạn gắn liền với cảng thuỷ nội địa vào quy hoạch… từ đó sẽ hình thành một quy hoạch kết nối tốt và hiệu quả.

Một vấn đề nữa cần phải tính đến đó là quỹ đất và nguồn vốn để phát triển cảng cạn cũng cần được xem xét. Để xây dựng hệ thống cảng cạn cũng như thệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ cần một quỹ đất và nguồn lực rất lớn, trong khi đất đai và nguồn ngân sách có hạn.

Bởi vậy nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho thuê đất đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng các cảng cạn; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tham đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối và hệ thống cảng cạn.

VOV Giao thông